Kì thực tập đầu tiên của tôi - Đoàn Hữu Hùng



Theo như kế hoạch của nhà trường, học viên đại đội 14 chúng tôi đã được đi thực tập trong thời gian 2 tháng. Dù thời gian thực tập ngắn, nhưng thật sự mà nói kì thực tập này đã đem lại cho tôi rất nhiều điều từ thực tế , khả năng tư duy được nâng tầm đến cách làm việc tuân theo giờ giấc, kỉ luật và kinh nghiệm làm việc trên tàu. Điều này rất quan trọng đối với học viên chúng tôi trong việc xác định hướng đi phù hợp trong nghề nghiệp của mình, để chuẩn bị hành trang cho những năm học tiếp theo.


Tôi rất may mắn khi kì thực tập đầu tiên được diễn ra trên chiếc thuyền buồm mang tên “Hi vọng” của trường Đại học hàng hải liên bang Nga mang tên đô đốc Nhevelskoy (MSUN). Sau hơn 23 năm hoạt động (05/07/1992 – 2015), thuyền buồm “Hi vọng” đã thực hiện được một chuyến vòng quanh thế giới (2004), tham gia nhiều festival và giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi thuyền buồm trên thế giới.


Ngay từ lần đầu bước lên thuyền, tôi đã cảm nhận được một không khí làm việc rất được coi trọng, có thể tóm gọn trong 3 từ: nghiêm túc, linh hoạt và kỉ luật. Tuy kì thực tập tại thuyền buồm trong một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy hầu hết thủy thủ trên thuyền đều có thái độ tinh thần làm việc rất say sưa và năng động. Ai cũng thi đua làm việc hết khả năng của mình, mặc dù nhiều lúc công việc có căng thẳng song dù vậy mọi người vẫn tạo ra một không khí vui vẻ.

Khi đến thực tập tại đây tôi được làm quen với môi trường làm việc tập thể và các áp lực công việc thực tế. Đặc biệt là áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, qua đó mình có cơ hội tốt để củng cố, kiểm tra lại vốn kiến thức của mình.

Trong chuyến thực tập này, thuyền chúng tôi đi theo lộ trình “dọc bờ biển vùng Viễn đông” và ghé thăm thành phố Plastun (Пластун), đó là một thành phố yên bình ven bờ biển, người dân sống chủ yêu bằng nghề chế biến gỗ và họ rất thân thiện và mến khách, đặc biệt là với các thủy thủ. Tại đây chúng tôi có một chuyến tham quan nhỏ quanh thành phố. Và trong lúc đi dạo phố, tôi đã được một người dân gọi lại nói chuyện thân mật và được tặng dâu tây trong vườn nhà họ.

Tham quan nhà máy chế biến gỗ

Điều tôi thích thú nhất khi thực tập tại đây là công việc buồm. Do đặc thù riêng của thuyền là không chỉ chạy bằng máy mà còn cả bằng buồm, nên tất cả các học viên tham gia thực tập đều cần phải biết và thành thạo công việc này. Vậy đó là gì và chúng tôi cần làm gì? Đó là thả và căng buồm, là điều khiển góc buồm và là cuộn buồm lại khi không dùng đến. Và để làm được những điều đó, việc đầu tiên là chúng tôi cần vượt qua nỗi sợ độ cao. Tôi nhớ lần đầu tiên leo lên cột buồm, mỗi bước chân đều rất nặng trĩu, hai tay run run bám chặt dây thừng, mắt luôn hướng lên trên, không dám nhìn xuống dưới. Nhưng với sự hướng dẫn và động viên của thủy thủ, tôi đã vượt qua được nỗi sợ và leo lên được các trục thuyền, nơi chúng tôi làm việc với buồm. Từ sau đó, mỗi lần nghe chuông báo tập trung lên boong làm công việc buồm, trong tôi không còn nỗi sợ mà thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng.

Các học viên đang leo lên cột buồm theo thừng chằng cột buồm.

Các học viên đang cuộn buồm lại.

Tác giả: Đoàn Hữu Hùng.




Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.