Bốn chúng tôi – những du học sinh khoa Điều khiển tàu biển,
trường ĐH Hàng hải Quốc gia Nga – hiện đã kết thúc học kì cuối trong quãng đời
sinh viên của mình, cùng với việc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đầy chông gai, đã
có thể tràn đầy tự tin để chuẩn bị cho chuyến đi 4 tháng của mình.
Kì thực tập của chúng tôi chính thức bắt đầu vào ngày 23 tháng
1, với tổng thời gian là 4 tháng, hứa hẹn sẽ là một chuyến đi biển dài và nhiều
điều mới mẻ ở trước mắt.
Chúng tôi được phân về Xí nghiệp vận tải biển và công tác lặn
(VTB), thuộc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro – đơn vị đã cử chúng tôi đi đào tạo
tại nước Nga. Những con tàu trong đội tàu của xí nghiệp này cũng là nơi chúng
tôi sẽ gắn bó sau khi tốt nghiệp đại học trở về nước, vì thế chuyến thực tập
này là một sự làm quen cần thiết với đặc điểm và điều kiện công việc ở nơi đây.
Tôi được điều xuống tàu Long Hải – 02 – một trong 2 tàu dịch vụ
lặn của xí nghiệp VTB – cùng người bạn cùng khóa tên Việt. “Long Hải – 02” được
đóng năm 2011 tại Indonesia và nhận thiết bị cũng như đăng kiểm tại cảng
Singapore. Sau khi được bàn giao cho xí nghiệp VTB vào cuối năm 2011, tàu được
khai thác liên tục cho đến nay, và chỉ vừa trải qua kì đại tu 5 năm tại dock
vào cuối năm 2016, chỉ vài tháng trước khi tôi lên nhận tàu. Đây quả là một sự
may mắn cho tôi và Việt vì tàu rất mới, trang thiết bị lại hiện đại, rất thuận tiện
cho chúng tôi thực tập.
Công việc chủ yếu của tàu dịch vụ lặn là chuyên chở trạm lặn
(gồm khoảng 25- 28 thợ lặn) đến địa điểm làm việc, thường là ở khu vực các mỏ,
đường ống, giàn khoan,… rồi cố định vị trí tàu để đội lặn có thể làm việc một
cách an toàn và hiệu quả. Vì đặc điểm công việc đòi hỏi độ an toàn cực kì cao,
vị trí tàu cần ổn định ở mức tối đa, tàu hạn chế hoạt động mỗi khi biển có sóng
lớn hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của
thợ lặn. Vì thế sau những chuyến biển dài ngày, đôi lúc tôi lại nhìn trời và thầm
hi vọng về một sự biến đổi thời tiết nào đó có thể khiến cho tàu chúng tôi trở
về bờ. Nghĩ là thế, nhưng trong khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 mà chúng tôi
đi biển ấy, thời tiết khá suôn sẻ, sóng gió êm và thời tiết có vẻ ủng hộ cho
công việc của chúng tôi.
Đề tài mà tôi chọn viết cho kì thực tập này là về hệ thống Định
vị thủy lực, một hệ thống còn khá mới mẻ nhưng hiện đang được sử dụng rất rộng
rãi trong ngành hàng hải thế giới cũng như trong đội tàu của xí nghiệp VTB. Đây
quả thực cũng là một sự lựa chọn liều lĩnh, bởi theo lời của những người trực
tiếp làm việc với hệ thống này trên tàu “Long Hải – 02”, hệ thống khá rắc rối,
cũng như để có thể hiểu và làm việc được, người điều khiển cần trải qua một
khóa học chuyên nghiệp tại trung tâm. Nhưng các anh cũng khuyên tôi không quá
lo lắng, bởi các anh hứa sẽ giúp tôi hoàn thành đề tài của mình, cũng như trao
cho tôi khá nhiều tài liệu liên quan để tham khảo. Suốt thời gian mấy tháng của
chuyến thực tập, nhờ chịu khó tìm tòi từ nguồn tài liệu ấy, tôi cũng đã tích
cóp được kha khá kiến thức bổ ích cho đề tài tốt nghiệp và học hỏi được nhiều
kinh nghiệm vận hành hệ thống.
Tuy được ưu tiên thời gian để nghiên cứu đề tài của mình, hàng
ngày tôi vẫn cùng bác bosun của tàu đi làm việc – những công việc tàu bè thường
gặp: bôi mỡ, sơn sửa bảo trì, làm dây, đấu dây, vệ sinh boong… Những công việc
tuy không quá nặng nhọc nhưng cũng giúp tôi thu về cho mình nhiều kinh nghiệm
làm việc.
Sau khi hoàn thành công việc, khoảng thời gian từ 17g mỗi ngày
là thời gian nghỉ ngơi của chúng tôi. Chúng tôi tổ chức căng lưới xung quanh
sàn tàu để đá bóng. Tuy không gian hạn hẹp không thể so với sân bóng ở bờ,
nhưng những trận bóng cũng giúp mọi người thư giãn và nâng cao thể lực rất nhiều.
Ngoài bóng đá, tàu “Long Hải – 02” còn được bố trí phòng xem phim, không gian tập
thể hình, phòng sinh hoạt chung… rất nhiều sự lựa chọn thư giãn dành cho các
thành viên trên tàu. Riêng tôi thì lại thích đi dạo quanh các boong tàu bắt
chuyện với mọi người, vừa để hóng gió thư giãn vừa có cơ hội làm quen với mọi
người. Trên tàu của chúng tôi có khoảng 10 người Nga làm ở phía trạm lặn, tất cả
họ đều rất thân thiện và yêu mến Việt Nam. Nói chuyện với những người bạn Nga
này nhiều khi làm tôi cảm thấy nhớ và mong được trở lại với đất nước bạn, dù chỉ
mới có vài tháng xa cách.
Có những buổi chiều đi dạo quanh boong tàu, ngắm mặt trời từ từ
đi ngủ phía chân trời, tôi chờ đợi màn đêm rũ xuống kéo theo một sự ảm đạm và
cô đơn bốn bề là biển tối, nhưng cảnh vật đã không cho phép tôi bi quan. Tuy ở
cách bờ gần 80 hải lý, khu vực mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng nơi Liên doanh dầu khí
Vietsovpetro đang khai thác bao gồm rất nhiều khu giàn nổi nằm không xa nhau, về
ban đêm các giàn đều sáng ánh đèn điện, cộng với các tháp đuốc luôn rực cháy –
một biểu tượng kinh điển của ngành dầu khí – làm cho cảnh biển có vẻ nhộn nhịp và sáng trưng ánh đèn như một thành phố nổi
giữa khơi xa.
Biển và dầu khí là một món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng không
chỉ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà của cả Việt Nam chúng ta. Càng ra biển tôi
càng thấy yêu biển hơn, càng thấy có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá
này, khai thác nhưng vẫn phải gìn giữ. Phải công nhận rằng những chuyến thực tập
như thế này luôn rất bổ ích cho sinh viên, đặc biệt đối với ngành hàng hải yêu
cầu nhiều kinh nghiệm trong công việc như của chúng tôi.
Hi vọng các bạn sinh viên hàng hải cũng sẽ có nhiều cơ hội được
ra khơi, để làm – để học – để tạo cho mình một tình yêu với biển, vì có như thế
chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai vững chắc cho ngành hàng hải của Việt
Nam chúng ta.
Tác giả: Trương Hiền
Nguyên trưởng Ban biên tập
Một số hình ảnh trong chuyến thục tập
Một số hình ảnh trong chuyến thục tập
Đăng nhận xét