TẠI
SAO CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO HÀNG HẢI NƯỚC TA CỨ CHÔN CHÂN SÂU TRONG ĐẤT LIỀN ?
Thuyền trưởng Tiếu
Văn Kinh
Sau khi thăm Học viện Hải quân Nha trang làm trổi dậy
trong tiềm thức của tôi nổi băn khoăn tồn tại từ lâu : Tại sao các cơ sở đào
tao hàng hải dân sự của ta cứ “trốn” sâu trong đất liền ?.
Hãy thử điểm qua vị trí các cơ sở đào tạo hàng hải của
ta. Trường Đại học hàng hải thì dặt tại Đường Lạch tray Hải phòng bên cnhj Càu
Rào. Trường Đại học Giao thông Thành phố Hồ Chí minh thì chôn chân tại Quận
Bình thạnh thành phố Hồ Chí Minh. Trường Cao đẳng Hàng hải 1 thì gắn với Quận
Hải an Hải phòng. Trường Cao dẳng nghề hàng hải thì chạy sang tận Thảo điền
Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở đào tạo hàng hải khác cùng trong tình
trạng tương tự. Hầu hết mỗi trường có một cái hồ tự nhiên (thật ra là cái ao
được cải tạo) hoặc cái hồ nhân tạo cỏn con. Cũng có sơ sở đào tạo nằm bên bờ
sông.
Một đất nước có trên 3260 km bờ biển trải dài từ bắc
chí nam, hướng ra Biển Đông, hầu như tỉnh nào cũng có bờ biển đi qua các thành
phố ven biển đẹp nổi tiếng như Vũng tàu, Phan thiết, Nha trang, Cửa lò, Sầm
sơn, Đồ sơn, Quảng ninh…Đặc biệt, tỉnh nào cũng có nghề đi biển phát triển,
tình nào cũng có những con người từ bao thế hệ gắn liền với biển, tỉnh nào cũng
có nhiều nam thanh, nữ tú mạnh khỏe, cường tráng, yêu biển, dạn dày sóng gió,
có trình độ phổ thông trung học. Thế thì tại sao các cơ sở đào tạo chuyên ngành
hàng hải đều đặt ở các thành phố lớn, sâu trong đất liền xa rời những điều kiện
quý báu đó. Tại sao ta cứ đưa những con người mà ta muốn họ trở thành sói biển
vào “cái ao làng” để rèn luyện. Thậm chí có cơ sở đào tạo còn không có nổi một
cái hồ ra hồn để huấn luyện loại nghề mà ông cha ta gọi là “nghề sông nước”.
Ai cũng biết rằng, hầu hết các trường hàng hải của các
quốc gia biển như Trung quốc, Ấn độ, Philippine, Nhật bản, Ba lan, Úc , ... đều
xây dựng bên bờ biển, gắn liền với biển. Biển được tận dụng làm môi trường đào
tạo lý tưởng. là yếu tố quan trọng để rèn luyện các dức tính đặc thù của nghề
đi biển. .Còn ở ta, đào tạo hàng hải mà cứ chôn chân sâu trong đất liền. Vì sao
?.
Ai cũng kêu ca thống thiết rằng sinh viên thiếu điều
kiện thực hành, không có tiền mua tàu đưa sinh viên ra biển thực tập, Vậy tại
sao ta không xây dựng các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng hải ở ngay các thành
phố biển, ngay bên bờ biển để tận dụng môi trường biển cho đào tạo?.
Xin cam đoan rằng trong điều kiện thiếu thốn, không có
tàu thực tập, không có tàu buồm kiểu “Lê Quý Đôn” thì biển là một môi trường
cực kỳ lý tưởng và quý báo cho việc rèn luyện thể chất (thể lực lẫn trí lực) và
nhiều đức tính khác mà thuyền viên ta đang “yếu” trong đó có cả yếu thực hành,
cho người đi biển tương lai.
Hãy thử tưởng tượng mọi hoạt động rèn luyện nghề
nghiệp như bơi lội, ngụp lặn, vật lộn với sóng nước, chèo xuồng, cấp cứu, leo
trèo, nhảy cầu ..., mà tiến hành trên biển thì khác hẳn trong ao, hồ. Việc bạn
nhảy từ trên cao xuống một cái ao/hồ nông choẹt, khác xa với việc bạn nhảy từ
một cái cầu cao trên 10 mét xuống biển. Không hiểu bạn có được cảm giác này hay
chưa, khi bạn nhảy từ trên cao xuống giữa biển khơi mênh mông dù trong điều
kiện bình thường, bạn sẽ nhận ra một cảm giác khác lạ, làn nước xanh mát lạnh
bao la sâu thẫm dưới chân, một cảm giác vừa sảng khoái vừa hụt hẫng, chới với
pha chút kinh hải mặc dù bạn sẽ bơi nhẹ nhàng hơn trên biển mặn. Nhảy lần đầu
đòi hỏi sự dũng cảm, nhảy nhiều lần bạn sẽ trở nên dạn dĩ, bình thường, hứng
thú. Tôi khẳng định với bạn rằng không ít thuyền viên hiện nay chưa hề nhúng
chân xuống biển.
Chắc chắn khi hàng ngày tiếp xúc với môi trường biển,
con người sẽ quen thuộc với biển, yêu biển, gắn bó với biển hơn. Điều quan
trọng là được đào tạo ngay môi trường biển, trước khi lên tàu ra khơi thuyền
viên đã phần nào dạn dày, chai lỳ với nắng gió, biển cả; họ sẽ dũng cảm hơn khi
buộc phải xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển khi hành nghề trong phong
ba bão tố, khi tàu lâm nạn. Nhờ đó sẽ giảm thiểu các rủi ro mà nghề đi biển khó
tránh khỏi.
Nhiều nội dung của các môn học thực hành của khoa điều
khiển tàu biển có thể tiến hành khi nhà trường ở ngay bên biển như thiên văn,
hàng hải học, khí tượng, thủy triều, trang thiết bị an toàn, thiết bị hàng hải
... mà không nhất thiết phải lên tàu ra khơi mới làm được.
Mỗi buổi sáng với cái sextant bên bờ biển đông, thầy
và trò có đến gần nửa chân trời mênh mong của vũ trụ để rèn luyện đo độ cao mặt
trời, hành tinh. Và về đêm bạn cũng có thể “ôm” trọn cả bầu trời đầy sao để
nhận dạng các vì sao và rèn luyện đo độ cao định tinh vào buổi hoàng hôn và
bình minh. Bên bờ biển bạn có thể quan sát và nhận xét nhịp độ thủy triều lên
xuống theo quy luật nào, dòng chảy ra sao. Tầm quan sát của một radar đặt trên
lầu cao khu học đường có thể bao quát một vùng biển đến 70 đến 80 hải lý trên
Biển Đông, tha hồ quan sát các tàu bè qua lại để nhận dạng tàu thuyền, quan sát
các hải đảo để luyện tập xác định vị trí…
Trong khi ta còn nghèo, chưa có tiền để mua sắm tàu
lớn hiện đại có giá vài ba mươi triệu đô la để chạy tuyến xa, chỉ cần trường được
trang bị một hai chiếc tàu nho nhỏ vài ba trăm mã lực cũ thì việc huấn luyện
thực hành bên bở biển sẽ vô cùng đắc dụng. Các con tàu nhỏ như vậy có thể mua
sắm trong tầm tay, không tốn kém quá nhiều như các tàu SAO BIỂN, (hoặc tàu UT
GLORY) của hai trường đại học. Các con tàu nhỏ này có thể đưa nhiều sinh viên
ra neo đậu gần bờ, không tốn kém bao nhiêu dầu mỡ, là có thể tiến hành đủ thứ
thực hành làm quen như ném dây, bảo quản tàu, hạ xuồng, thiên văn, địa văn, khí
tượng thủy văn, VHF, radar (nếu có lắp đặt), trực ca trên buồng lái, buồng
máy... Cũng có thể tậu một con tàu củ hàng vạn tấn của các công ty nhà nước
thải bỏ và đưa về đậu bên cầu tàu nhà trường thì thầy và trò có thể tiến hành
đủ thứ thực hành, kể cả công tác bảo quản bảo dưỡng …
Còn nhiều lợi thế nữa để thực hành và rèn luyện khi
nhà trường gắn liền với biển; những lợi thế đó được khai thác đến đâu còn tùy
thuộc con tim và óc sáng tạo cùa các thầy giáo vừa là nhà hàng hải đúng nghĩa.
Liệu có thể mạnh dạn và quyết tâm thay đổi môi trường
đào tạo được không?. Hãy mạnh tay làm một cuộc cách mạng về môi trường đào tạo,
tách các khoa đào tạo người đi biển ở các trường đa ngành như Đại học hàng hải
VN, Đại học Giao thông TP HCM, các trường cao đẳng đa ngành ...để thành lập các
Học viện / Trường cao đẳng hàng hải trực thuộc các trường đại học hoặc trở
thành các Viện hàng hải (Maritime Academy) độc lập chỉ chuyên đào tạo người đi
biển. Đưa các Học viện / Trường này ra ra các vùng ven biển. Việc này đã từng
có dự án, nhưng đã không quyết liệt vượt qua các rào cản.
Không có cách gì tốt hơn bằng rèn luyện phẩm chất đạo
đức, tác phong, kỹ luật nghề nghiệp cho người đi biển thông qua hình thức quản
lý bán quân sự khi họ còn ngồi ở ghế nhà trường. Tại sao các trường của ta đang
xem nhẹ chuyện này, hoặc có làm thì cũng qua loa dại khái ?.
Các trường hàng hải của nhiều nước đều rèn luyện
thuyền viên bằng hình thức bán quân sự trong môi trường ven biển rộng thoáng.
Trường hàng hải VN trong chiến tranh chống Mỹ cùng thường xuyên rèn luyện qua
hình thức quân sự hóa. Thế thì tại sao bây giờ, theo yêu cầu của nghề đi biển,
ta bỏ cách rèn luyện đó.
Các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng hải sau khi được
tách ra thành các viện, trường và đặt bên bờ biển, nên quyết tâm khôi phục và
duy trì chế độ học tập rèn luyện đặc biệt giành cho những người sẽ làm việc
trên biển. Ở đó họ được rèn dũa theo hình thức bán quân sự, với đồng phục, sinh
hoạt quân sự hóa theo những yêu cầu khắt khe. Cần có bộ phận chuyên môn chuyên
chăm lo việc rèn luyện bán quân sự hóa trong nhà trường như đã từng làm trước
đây. Việc rèn luyện như vậy không thể thực hiện ở môi trường thành phố sâu
trong đất liền, phố xá đông đúc, trong môi trường đào tạo chung với những sinh
viên các ngành khác. Nghề đi biển có những yêu cầu rèn luyện khắc khe hơn nhiều
so với dào tạo người làm trên bờ. Việc rèn luyện đó sẽ tiến hành bên bở biển,
gắn lièn với môi trường biển thì còn gì bằng.
Phương pháp rèn luyện đó còn là một cách để sàn lọc,
tuyển chọn những người muốn có việc làm, thực sự muốn đi biển. Những ai không
chịu khép vào kỷ luật, không vượt qua thử thách trong quá trình đào tạo để trở
thành thuyền viên thì phải bị loại bỏ ngay. Họ sẽ phải chọn một nghề khác phù
hợp. Trường đào tạo thuyền viên không thể bỏ tiền của để đào tạo những người
không muốn đi biển.
Có lẽ lý do lớn nhất để các cơ sở đào tạo hàng hài
“trốn “ sâu trong dất liền là các nhà hoạch định chính sách thiếu đầu óc tư duy
chiến lược nếu không muốn nói rằng tư duy chiến lược không vượt qua lợi ích cá
nhân, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ đã bám rể rất sâu từ rất sớm. Con cháu
chúng ta trong tương lai sẽ trách cứ, phê phán nếu chúng ta không thay đổi tư
duy này và quyết tâm sửa lỗi lầm ngay từ bây giờ./.
T.V.K
Đăng nhận xét