Bài mới nhất

Tiếng Nga – một trong những thứ tiếng khó nhất trên thế giới, nỗi ám ảnh của khá nhiều người, tất nhiên là có bao gồm tôi trong đó.

Với một thằng 12 năm cắp sách đi học chỉ biết đến tiếng Anh, hơn chục năm xem phim Tàu biết thêm được vài chữ Trung Quốc và cao siêu lắm là nói được câu “I love you” bằng 5 thứ tiếng thì…. đùng một cái sang Nga học chính xác là một thảm họa.

Không thể phủ nhận trước đây tôi khá là “không thích” học ngoại ngữ, cái vòng luẩn quẩn không thích -> ít học -> học kém -> không thích ->… như kiểu cảm nắng mình, bám mãi không buông. Nhưng biết làm sao được, cần thiết mà, phải tự bắt mình học thôi.

Thời xưa của ông bà, bố mẹ, thời thống trị của tiếng Nga và tiếng Pháp thì chịu, xa quá rồi ko ai nhớ nổi. Còn thì từ lúc bắt đầu có nhận thức, suy nghĩ thì nhà nhà tiếng Anh, người người tiếng Anh, con nít lớp 1 đang đồ từng nét chữ cũng học tiếng Anh tuốt. Hồi đó đứa nào mà chào “hello” 1 cách thành thạo, bài khóa mà đọc thêm được âm gió cho nhiều, nghe có vẻ chuyên nghiệp là đã đủ tiêu chuẩn thành “con nhà người ta” rồi.

Đến giờ thì tiếng Anh đã như là 1 cái cần tất yếu, 1 thứ hiển nhiên. Mọi người lại bắt đầu học thêm nhiều thứ tiếng khác, Trung, Nhật, Pháp… Họ học tiếng vì khao khát với đất nước đó, niềm khát khao được đến 1 chân trời mới, 1 nơi nào đó khác… không giống Việt Nam. Tôi cũng có nhiều đứa bạn vì đam mê nhạc Hàn, văn hóa Hàn nên quyết tâm học tiếng, có đứa mà trên tường facebook cá nhân của nó hình ảnh chia sẻ chỉ toàn về Paris, hoặc có đứa chỉ đơn giản là xem phim Tàu quá nhiều nên nói được tiếng Trung bập bõm…

Còn tôi? đến với tiếng Nga khá tình cờ, và thích tiếng Nga cũng thật là ngẫu nhiên. Tiếng Nga khó, đúng, rất khó, quá khó là đằng khác. Thời gian đầu như đứa trẻ tập tô, vẽ từng nét chữ, vâng, là vẽ. Cái chữ Nga nó ko theo hệ chữ latinh như tiếng Anh, tiếng Việt, nó ngoằn ngoèo, rối rắm. Ngữ pháp thì đúng là kinh khủng, 3 giống, 6 cách, 3 thì, rồi còn ti tỉ những thứ chả đâu vào đâu. Ai học tiếng Nga rồi thì cũng sẽ có lúc muốn vứt hết sách vở mà hét lên, cái gì thế này, cóc thèm học nữa. Nhưng rồi đến lúc tự nhiên bạn sẽ lại thích nó, vô tình nó đã trở thành một phần trong cái cuộc sống đã lắm thứ hỗn độn, không đầu không cuối của bạn mất rồi. Tiếng Nga tự nó có sức phát triển vô cùng mạnh, từ 1 từ nó có thể biến ra thành một hỗn hợp từ khác nhau cùng 1 gốc nghĩa, không như tiếng Trung, học chữ nào nhớ chữ đó, không thì đành bó tay. Nó phát triển, nó lớn lên và tồn tại như chính con người Nga vậy, đâu phải ngẫu nhiên mà họ được gọi là  “những chú gấu Nga”.

Tôi có thể tạm chia quá trình học tiếng Nga của tôi, mà chắc cũng của nhiều người thành mấy giai đoạn sau:
-         Giai đoạn “ranh con háo hức”: giai đoạn này mới tiếp xúc với tiếng, thấy cái gì cũng lạ, cũng hay ho, quan trọng là nó dễ. Học đi học lại có chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn với bảng chữ cái. Thấy mình thật là giỏi, gì chứ tiếng Nga cũng muỗi.
-         Giai đoạn “trẻ trâu phẫn nộ”: đây là lúc mà sách vở có nguy cơ bị xé nát, đốt bỏ nhiều nhất. Bắt đầu gặp những cái khó đầu tiên, ngữ pháp và từ mới chất cao như núi. Không hiểu 1 cái cóc khô gì luôn. Sợ hãi, chán nản.
-         Giai đoạn “bắt đầu lớn khôn”: lúc này bắt đầu hiểu luật chơi, bắt đầu nắm được những cái cơ bản, cốt lõi nhất, đã có thể tự ngấm dần dần.
-         Giai đoạn “bố đời mẹ thiên hạ”: cái này thì trừ khi có khả năng thiên bẩm hoặc không thì phải chăm chỉ tích lũy hàng ngày, hàng giờ, tầm ngoại ngữ có thể giỏi hơn cả người bản xứ. Mong là vài chục năm nữa mon men đến được cái mốc này. Mà chắc là không đâu, vì thực tế thì cũng đâu có cần thiết lắm.

Tôi được may mắn sang đây học, may mắn đến thành phố này, cái nơi mà khoảng cách giữa người với người nó vẫn còn rất gần nhau, dám chắc với bạn là ở Moscow hay các thành phố lớn khác không được như thế đâu. Với đặc thù là thành phố cảng lớn, dân nhập cư nhiều, cái nhìn của người Nga đối với người nước ngoài không quá khắt khe, đặc biệt là với người Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp trong thành phố những cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt Nam, những người mà dù bàn tay họ không còn nguyên vẹn vì bom đạn chiến tranh cũng sẵn sàng dành cho bạn những cái siết tay thật chặt, ấm lòng. Đấy, tôi yêu thành phố Vladivostok vì những điều nhỏ nhặt, ấm áp, yên bình như thế. Sẽ có 1 lần nào đó, tôi sẽ kể cho bạn nghe về thành phố này, thành phố mà tôi đang sống, thành phố đang nuôi dưỡng tôi. Nhưng tất nhiên, nó sẽ trong khoảng thời gian khác, trong bài viết khác với  một tôi chắc lúc đó cũng đã khác. Yêu và gắn bó với nơi đây, tôi lại càng quý trọng tiếng Nga, nó sẽ là chìa khóa cho tất cả, nó không thể mở những cánh cửa thông thường, nhưng nó có thể mở được những trái tim…


Người viết: Ngô Quang Hưng.


(Bài thơ mang tính chất giải trí , mọi người đọc cho vui )

Rời  Việt Nam đi xa
Mỗi người đi một ngả
Nhưng anh em chúng ta
Lại tụ nơi đất lạ

Từ chí Bắc vào Nam
Chúng ta chung một nghề
Chia ra lái, máy ,điện
Tựu tề tại MSUN

Đại học hàng hải đó
Mang tên NHE-VEN-SCÔI
Đã bao thế hệ rồi
Ôi ngôi trường lịch sử

Từ một tám chín mươi
Một trăm hai lăm tuổi
Bao thế hệ thuyền trưởng
Đào tạo ở nơi đây

Mỗi học viên hàng ngày
Sáng phải dậy sớm chạy
Chiều đi đều cho hay
Tối lại phải lo cày

Anh em chúng tôi đây
Ngày học ba, bốn tiết
Cơm ăn ngày ba bữa
Bụng luôn luôn căng đầy

Thu thì đi quét lá
Đông thì cầm xẻng ra
Hốt hết đám tuyết lạ
Rồi mới được về nhà

Phòng có bốn cái giường
Thêm được bàn hai cái
Bốn cái ghế chung quanh
Vừa đủ để học bài

Cuộc sống tuy hơi khổ
Nhưng luôn có anh em
Nguồn động viên to lớn
Vượt qua mọi đêm đen

Sau 5 năm đi học
Mong anh em đừng quên
Trường MSUN thuở ấy
Nơi có những cô thầy

Họ luôn luôn cố gắng
Truyền đạt hết kinh nghiệm
Mặt có vẻ rất nghiêm
Nhưng tấm lòng dung hậu

Cuộc đời lính là thế
Khó thể tả thế nào
Nếu muốn biết thế sao

Mời mọi người sang học .



Tác giả: Nguyễn Hải Khánh.




Không phải sinh viên nào trước khi sang Nga cũng nghĩ rằng, mình sẽ học tập và rèn luyện như một người “lính” trong những năm đại học ở xứ sở Bạch dương. Đó có lẽ là lý do tại sao chúng tôi, những học viên trường ĐH Hàng hải quốc gia TP.Vladivostok (MSUN) luôn cảm thấy tự hào vì mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của một học viên quân sự kiểu Nga, nhưng đôi lúc cũng có cảm giác “thiệt thòi” so với bạn bè, nhất là vào những ngày mưa, gió, tuyết…

Trường ĐH Hàng hải tp.Vladivostok được thành lập cách đây hơn 100 năm với bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ, phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nói chung và tp.Vladivostok nói riêng. Với hơn một thế kỷ tồn tại, cùng các thế hệ giảng viên dày dạn kinh nghiệm, hằng năm Trường ĐH Hàng hải đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư, sỹ quan, chuyên gia hàng hải, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành kinh tế hàng hải phát triển.

Đến với trường ĐH Hàng hải quốc gia TP.Vladivostok, chúng ta có thể thấy rõ những nét Xô Viết cổ kính còn hiện diện ở khắp nơi, từ cảnh vật, tòa nhà, phòng học đến tình cảm và cách dạy dỗ của các thầy cô. Đặc biệt hơn, chế độ sinh hoạt, rèn luyện và học tập của các học viên vẫn được duy trì theo kiểu bán quân sự, là một nét rất đặc trưng của trường.

Được tổ chức một cách chặt chẽ và điều chỉnh qua thời gian, hệ thống bán quân sự là môi trường thuận lợi để rèn luyện tính kỹ luật, tinh thần tập thể và tình đồng chí cho các học viên. Trường có ba khoa chính được đào tạo theo kiểu bán quân sự : Khoa Điều khiển tàu biển, Khoa Vận hành máy tàu biển và Khoa Hệ thống điện tàu thủy. Mỗi khóa của từng khoa được chia thành các đại đội khoảng hơn 100 người, mỗi khoa có 5 đại đội tương ứng với 5 năm đào tạo.

Các học viên hàng hải chúng tôi được cấp đồng phục theo từng mùa, ăn tại căng tin của trường và sống tập trung theo từng tầng, từng kí túc xá theo quy định, dưới sự chỉ huy của một sỹ quan chủ nhiệm. Đây chính là người “có quyền sinh sát “ trong đại đội, ngoài ra còn có đại đội trưởng và các tiểu đội trưởng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày của các học viên.

Một ngày của chúng tôi bắt đầu bằng hồi chuông reo dai dẳng, đánh thức cả đại đội bắt tay vào thực hiện thời gian biểu đã quy định. Đầu tiên là nhanh chóng mặc đồng phục, tập trung chạy bộ, tập thể dục buổi sáng, tiếp sau theo sự phân công, một vài tiểu đội có nhiệm vụ quét dọn sân trường, nếu trời tuyết thì cùng nhau hì hục quét, xúc, cào, kéo… tuyết để đảm bảo việc đi lại thông suốt.

Sau màn khởi động tỉnh ngủ đầu tiên, mọi người có một ít thời gian làm vệ sinh cá nhân, xếp chăn, dọn phòng ngăn nắp sạch sẽ. Đúng 08h00 các đại đội tập trung tại sân chính để đi ăn sáng.

Bữa sáng thường được chuẩn bị và dọn sẵn theo từng bàn, đối với các khóa năm 3, năm 4, năm 5 học viên xếp hàng để nhận phần ăn của mình. Thông thường chúng tôi có món cháo mạch nấu với sữa, món trứng am-let, khoai tây cá muối, lúa mạch ăn cùng xúc xích hoặc bánh kiểu Nga ăn kèm với sữa đặc hoặc kem chua ... Nói chung các món ăn được thay đổi theo từng ngày trong tuần. Ngay từ tên gọi đến mùi vị đều rất lạ, nên tất cả học viên chúng tôi đều hiểu rõ thế nào là nổi nhớ cơm mẹ nấu.

Sau bữa sáng, các học viên tập trung tại sân trường để làm thủ tục điểm danh, kiểm tra đồng phục, tác phong và nghi thức chào cờ. Nhiệm vụ trong ngày sẽ được “Tổng chỉ huy” truyền đạt trực tiếp trước toàn thể học viên, thường kèm theo là những lời phê bình, kiểm điểm.

Khi tiếng nhạc hùng tráng cất lên chính là lúс cuộc diễu hành buổi sáng được bắt đầu. Mỗi bước chân đều theo nhịp trống, mạnh mẽ, uy nghiêm. Trong tiếng nhạc hùng tráng ấy, dường như có một sức mạnh to lớn nào đó đang trào dâng trong lòng các học viên chúng tôi. Đó là những giai điệu anh hùng của một thời máu lửa chiến tranh mà giờ đây đang được gìn giữ và kế thừa bởi thế hệ “những người lính trẻ”. Đối với riêng tôi, đây là màn khởi động tinh thần diệu kỳ và rất mãnh liệt, khiến cho tâm trạng ai nấy đều phấn khởi, ngập tràn niềm tự hào và niềm tin bắt đầu một ngày mới đầy sức sống. Dưới những tia nắng long lanh của buổi bình minh, chúng tôi rảo bước đến giảng đường, bên tai vẫn còn ngân vang nhịp trống.

Ba tiết học buổi sáng kéo dài đến tận 14h. Bước ra khỏi phòng, tất cả học viên phải nhanh chóng di chuyển đến nhà ăn để được tiếp năng lượng kịp thời. Nhà ăn buổi trưa có vẻ đông đúc và ồn ào hơn. Bánh mỳ bơ, trà hay nước trái cây truyền thống, salat, súp và thêm một món chính giúp dạ dày của chúng tôi không còn “than vãn” nữa. Một điều khác biệt ở các món Nga là thức ăn rất mềm, giàu dinh dưỡng, ít rau củ quả vì thế cơ thể rất dễ hấp thu. Người Nga không ăn cay, nấu hơi nhạt, họ ăn bánh mỳ mỗi bữa giống như cơm của người Việt. Sau bữa trưa, các đại đội tập trung để thực hiện kế hoạch của buổi chiều, các nhóm có tiết 4, tiết 5 thì đến lớp, các nhóm đến lịch thì đi lao động, trực nhật, tập đội hình đội ngũ…Thời tiết Vladivostok vào đông lạnh và khô, bầu trời trắng bạch, ảm đạm. Đứng ngoài trời chịu cái lạnh âm độ, lâu lâu hứng thêm mấy cơn gió bất khiến ai nấy đều tê tái, lạnh buốt từ đầu đến chân.

Một ngày của học viên hàng hải trôi qua nhanh chóng. Khi trời vừa sẫm tối, thấp thoáng trên sân trường bóng các học viên tập trung cho bữa tối. Ngay sau bữa ăn, một số đại đội có chương trình tự học bắt buộc, tất cả học viên phải đến giảng đường để hoàn thành bài vở của mình. Các học viên thuộc các đại đội khác, thường dành thời gian đến các lớp ngoài giờ của các giáo viên để xin hướng dẫn làm bài tập khóa, hỏi những vấn đề còn thắc mắc... Bên cạnh việc học, buổi chiều là thời gian các học viên dành cho việc rèn luyện sức khỏe, chơi các môn thể thao yêu thích hay tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do nhà trường tổ chức.

Phải nói thêm rằng, để đảm bảo sự hoạt động thông suốt của cả hệ thống, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày của các học viên tại nhà ăn, lớp học, trong đại đội… mỗi ngày có hơn 50 học viên được phân công vào các ca trực khác nhau. Nhiệm vụ của họ là: đứng gác ở đại đội, trong các tòa nhà chính, đảm bảo giữ gìn vệ sinh, tránh mất mác tài sản và theo dõi báo động cháy nổ; làm việc tại nhà bếp, bốc xếp hàng hóa, thực phẩm, phụ giúp sơ chế nguyên liệu; làm việc tại nhà ăn, dọn thức ăn theo từng phần, rữa chén bát, lau dọn bàn ghế; tuần tra trong khuân viên trường, đảm bảo vệ sinh sân trường,... Đó là những công việc giúp các học viên rèn luyện tinh thần trách nhiệm, làm quen dần với môi trường làm việc khắc nghiệt trên biển, học hỏi thêm được nhiều kỹ năng mới.

Dù là mùa đông hay mùa hè, dù ngày thường hay lễ tết, những học viên Trường ĐH hàng hải luôn nhớ một mốc thời gian cố định trong ngày phải có mặt tại đại đội, đó là giờ điểm danh tối lúc 22h. Sau điểm danh, các học viên có thêm một ít thời gian làm những việc cá nhân, chuẩn bị đến giờ đi ngủ.

23h, một hồi chuông dài vang lên, không khác mấy so với tiếng chuông báo thức buổi sáng, nhưng tất cả đều vui vẻ đón nhận và chúc nhau có môt giấc ngủ ngon trước khi hồi chuông tiếp theo vang lên vào sáng sớm ngày hôm sau.

Có thể nói rằng, cuộc sống thường ngày của học viên hàng hải chúng tôi gắn liền với những hồi chuông báo hiệu, âm vang có lúc to, lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng, nhưng dường như đã trở thành một thứ gì đó không thể tách rời, gần gủi và khó quên. Một cuộc sống học tập nhiều thử thách giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Tình đồng chí, đồng đội và cả tình cảm nồng hậu của những người bạn Nga dành cho chúng tôi, những người con xa tổ quốc, rực sáng lên như ánh lửa sưởi ấm tâm hồn qua mùa đông băng giá.

Bầu trời Vladivostok một sớm mùa đông.

Sân trường một màu tuyết trắng.

Đứng gác.

Tuyết cứ rơi và đoàn người cứ quét.

Cảnh diễu hành của học viên trường.

Bài viết nhằm cổ vũ cuộc thi do BBT tổ chức, vừa là lời giới thiệu ngắn gọn cho những ai quan tâm muốn tìm hiểu cuộc sống của học viên Trường ĐH hàng hải, vừa là lời nhắn gửi đến các bạn sinh viên mới. Chào mừng tất cả mọi người đã đến với gia đình “Em Ghê U”.

Người viết: Huỳnh Kim Khánh.



Theo như kế hoạch của nhà trường, học viên đại đội 14 chúng tôi đã được đi thực tập trong thời gian 2 tháng. Dù thời gian thực tập ngắn, nhưng thật sự mà nói kì thực tập này đã đem lại cho tôi rất nhiều điều từ thực tế , khả năng tư duy được nâng tầm đến cách làm việc tuân theo giờ giấc, kỉ luật và kinh nghiệm làm việc trên tàu. Điều này rất quan trọng đối với học viên chúng tôi trong việc xác định hướng đi phù hợp trong nghề nghiệp của mình, để chuẩn bị hành trang cho những năm học tiếp theo.


Tôi rất may mắn khi kì thực tập đầu tiên được diễn ra trên chiếc thuyền buồm mang tên “Hi vọng” của trường Đại học hàng hải liên bang Nga mang tên đô đốc Nhevelskoy (MSUN). Sau hơn 23 năm hoạt động (05/07/1992 – 2015), thuyền buồm “Hi vọng” đã thực hiện được một chuyến vòng quanh thế giới (2004), tham gia nhiều festival và giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi thuyền buồm trên thế giới.


Ngay từ lần đầu bước lên thuyền, tôi đã cảm nhận được một không khí làm việc rất được coi trọng, có thể tóm gọn trong 3 từ: nghiêm túc, linh hoạt và kỉ luật. Tuy kì thực tập tại thuyền buồm trong một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy hầu hết thủy thủ trên thuyền đều có thái độ tinh thần làm việc rất say sưa và năng động. Ai cũng thi đua làm việc hết khả năng của mình, mặc dù nhiều lúc công việc có căng thẳng song dù vậy mọi người vẫn tạo ra một không khí vui vẻ.

Khi đến thực tập tại đây tôi được làm quen với môi trường làm việc tập thể và các áp lực công việc thực tế. Đặc biệt là áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, qua đó mình có cơ hội tốt để củng cố, kiểm tra lại vốn kiến thức của mình.

Trong chuyến thực tập này, thuyền chúng tôi đi theo lộ trình “dọc bờ biển vùng Viễn đông” và ghé thăm thành phố Plastun (Пластун), đó là một thành phố yên bình ven bờ biển, người dân sống chủ yêu bằng nghề chế biến gỗ và họ rất thân thiện và mến khách, đặc biệt là với các thủy thủ. Tại đây chúng tôi có một chuyến tham quan nhỏ quanh thành phố. Và trong lúc đi dạo phố, tôi đã được một người dân gọi lại nói chuyện thân mật và được tặng dâu tây trong vườn nhà họ.

Tham quan nhà máy chế biến gỗ

Điều tôi thích thú nhất khi thực tập tại đây là công việc buồm. Do đặc thù riêng của thuyền là không chỉ chạy bằng máy mà còn cả bằng buồm, nên tất cả các học viên tham gia thực tập đều cần phải biết và thành thạo công việc này. Vậy đó là gì và chúng tôi cần làm gì? Đó là thả và căng buồm, là điều khiển góc buồm và là cuộn buồm lại khi không dùng đến. Và để làm được những điều đó, việc đầu tiên là chúng tôi cần vượt qua nỗi sợ độ cao. Tôi nhớ lần đầu tiên leo lên cột buồm, mỗi bước chân đều rất nặng trĩu, hai tay run run bám chặt dây thừng, mắt luôn hướng lên trên, không dám nhìn xuống dưới. Nhưng với sự hướng dẫn và động viên của thủy thủ, tôi đã vượt qua được nỗi sợ và leo lên được các trục thuyền, nơi chúng tôi làm việc với buồm. Từ sau đó, mỗi lần nghe chuông báo tập trung lên boong làm công việc buồm, trong tôi không còn nỗi sợ mà thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng.

Các học viên đang leo lên cột buồm theo thừng chằng cột buồm.

Các học viên đang cuộn buồm lại.

Tác giả: Đoàn Hữu Hùng.





Những bông hoa tuyết ngày càng rơi nhiều báo hiệu một mùa đông lạnh giá nữa lại đến, vậy là cũng 2 năm rồi tôi không được về thăm gia đình và quê hương. Có thể đối với nhiều người 2 năm không phải là khoảng thời gian dài, nhưng đối với một du học sinh thì 2 năm đó là một khoảng thời gian khá là lâu, nó giống như một cuộc phiêu lưu nhỏ với những bài học, những kinh nghiệm vô cùng ý nghĩa, sâu sắc và thiết thực trong cuộc sống.


Hai năm tại mảnh đất lạnh giá tên Vladivostok  với những nhóm lửa chập chờn của tình yêu thương, có quá nhiều điều ta phải cần trưởng thành hơn từ suy nghĩ cho tới hành động. Tại sao ư? Bởi ta không còn được bao bọc bởi tình yêu thương của cha mẹ nữa, sự vui đùa những đứa bạn thân khi ta còn ở nhà. Ta phải tự làm tất cả từ cách nấu ăn cho đến việc giặt giũ hay chăm sóc bản thân, tự phải học tập và tự kiềm chế bản thân.
Sống tại một vùng đất đó, nếu không nhờ những nhóm lửa chập chờn kia có lẽ ta không thể tồn tại được. Nhóm lửa đó là những người anh, những người chị, những người bạn cùng lứa tuổi, những người giống như tôi.


Họ động viên, giúp đỡ tôi trong việc học cũng như trong đời sống. Họ tạo ra những bữa tiệc tinh thần để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và sưởi ấm trái tim tôi.
Sống và làm việc dưới mái trường Hàng hải MSUN, tôi - một học viên đã  gặp không ít khó khăn. Từ việc hoà nhập vào cuộc sống đến cách kết bạn với những người bạn Nga hay trong việc học tập và tuân thủ quy định nội quy. Có thể bạn sẽ không tin, tại nơi chúng tôi ở bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi nó rất gọn gàng và sạch sẽ đến độ bạn sẽ không thể tìm ra được một hạt bụi nào trong phòng.


Bởi vì bọn tôi sẽ phải dọn vệ sinh nếu như phòng bừa bãi và không gọn gàng, mỗi ngày sẽ có người kiểm tra phòng và chúng tôi không thể trèo lên giường trước 10 giờ tối .Những người bạn Nga, tôi có thể nói gì về họ? Họ khá thân thiện với chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc, tuy nhiên nhiều lúc tôi cảm thấy khá buồn cười hoặc có chút tức giận bởi những hành động có chút dại khờ, ngây ngô,  điên dại và có chút tinh nghịch của những đứa trẻ. Nhưng mọi việc,  mọi cảm xúc tức giận sẽ được xua tan sau cái bắt tay giữa những người bạn -một hành động khá là thú vị và được tôi đánh giá cao.


Tác giả: Lê Tuấn Sơn.



Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.